Giỏ hàng Không có sản phẩm nào

Nhiều tiện ích trên quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ

Bốn ngày nữa phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ được đưa vào vận hành. Trước mắt các loại xe vẫn được phép lưu thông trên làn đường dọc hai bên quảng trường.

Ngày 25/4, tại cuộc họp về tiến độ xây dựng phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), Phó Giám đốc Sở Gao thông TP HCM Trần Quang Lâm cho biết, phố kéo dài từ tòa nhà UBND thành phố đến công viên bến Bạch Đằng với điểm nhấn là Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và trụ sở UBND thành phố.

"Để đảm bảo thông thoáng của khu vực trang nghiêm nhưng không quá đơn điệu giữa không gian khá rộng lớn, 2 hồ phun nước đã được thiết kế trên khu phố. Hồ phun nước kết hợp với ánh sáng, âm thanh, màu sắc sẽ tạo nên vẻ đẹp ấn tượng về đêm", ông Lâm cho biết.

pho-di-bo-9076-1429971230.jpg

Người dân có thể tham quan phố đi bộ, thưởng thức nhạc nước từ ngày 29/4. Ảnh: Phạm Duy.

Theo vị phó giám đốc, để tạo độ ẩm, hơi mát cho khu vực (từ Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng) hệ thống phun sương sẽ được bố trí hai bên hàng cây dọc khu phố. Sắp tới, sẽ tăng cường thêm 122 bồn cây thân leo để tạo vẻ đẹp cũng như tăng cường bóng mát. Toàn bộ khu vực có 160 hàng ghế phục vụ người đi bộ.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết thêm việc xây dựng, vận hành phố đi bộ là chưa có tiền lệ nên thành phố vừa làm vừa hoàn thiện, tiếp tục điều chỉnh trong quá trình vận hành. "Lần đầu làm phố đi bộ nên thành phố sẽ lắng nghe các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị để công trình ngày càng đẹp hơn, phù hợp nhất trên thực tế", ông Tín nói.

Theo ông Tín, khu vực quảng trường có sức chứa 5.000 - 6.000 người. Người dân có thể thưởng thức hình ảnh nổi bật của Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tòa nhà UBND TP về đêm qua hệ thống chiếu sáng hiện đại, được TP Lyon (Pháp) lắp đặt.

"Ngày 29/4 tới, thành phố sẽ vận hành phố đi bộ Nguyễn Huệ 24/24h. Trước mắt các loại xe vẫn được phép lưu thông trên hai làn đường dọc hai bên quảng trường đi bộ", ông Tín nói và cho biết hiện quy chế quản lý khu phố đi bộ Nguyễn Huệ được giao cho UBND quận 1 và Sở GTVT chủ trì. Tiêu chí là không để buôn bán tràn lan, đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. 

Vị phó chủ tịch UBND TP HCM cũng cho biết, trong tương lai, ở Thủ Thiêm (quận 2) cũng sẽ hình thành quảng trường đi bộ. Hai khu vực này sẽ kết nối với nhau bằng cầu đi bộ băng sông Sài Gòn. Phía sau công viên tượng đài là công trình kiến trúc cổ hơn 100 năm tuổi, đang là trụ sở của UBND và HĐND thành phố.  

"Thành phố đang triển khai xây hầm ngầm đoạn giao lộ Tôn Đức Thắng – Nguyễn Huệ. Theo đó, các loại xe đi trên Tôn Đức Thắng không băng ngang mặt cắt đường Nguyễn Huệ như hiện nay mà sẽ đi ngầm một đoạn qua khu vực này. Công viên Bạch Đằng cũng sẽ được cải tạo lại, không cho tàu thuyền cập bến như hiện nay", ông Tín thông tin.